Những trải nghiệm đầu tiên về môi trường làm việc tại công ty IT Nhật Bản

Khi tôi sang Tokyo - Nhật Bản lần đầu tiên và làm việc trong một công ty IT (phát triển game) thì về cơ bản tôi có rất nhiều bất ngờ.


Nguồn: Tham khảo.

1. Đầu tiên là việc đi làm bằng tàu điện

Trước khi đến Nhật Bản, tôi có nghiên cứu việc di chuyển bằng tàu điện và xem video qua youtube thấy cảnh chật chội, chen chúc, đè nén, thậm chí là nhồi nhét vì quá đông nên tâm lý tôi khá sợ, không biết mình có bị muộn giờ làm không và có xảy ra việc đáng tiếc như rơi giày, rách quần áo, vỡ laptop không, thật sự là rất lo lắng. 

Vì là công ty IT nên giờ làm việc của tôi là 10h30 mới bắt đầu, nhưng khi tôi đến ga chờ tàu và lên tàu thì không, thực sự không đáng sợ như vậy, có đông nhưng không đến mức thiếu chỗ đứng và chen chúc như vậy.

Vì vậy tôi đã có thể yên tâm hơn. Sau này hỏi những người bạn đã sống ở Tokyo nhiều năm thì giờ làm các công ty IT thường muộn và cũng tùy từng tuyến tàu mới xảy ra cảnh như vậy.

2. Tiếp theo là trang phục nơi công sở

Trong suy nghĩ của người Việt Nam từ xưa thì hình ảnh business-man hay salary-man thường đi liền với hình ảnh mặc vest, cà-vạt, quần âu, giày đen, tóc tai gọn gàng cùng với dáng đi thẳng. Nhưng không, khi bước vào công ty IT mà tôi làm việc thì môi trường là một công ty rất thân thuộc, không khó đề nhìn thấy các bạn kỹ sư IT người Nhật mặc quần lửng, đi giày thể thao, mặc áo phông không cổ đi lại trong khắp văn phòng. Tôi thầm nghĩ “may quá chứ chưa có lương thì tiền đâu mà mua bộ suite với giày đen bây giờ”.

3. Về công việc

Chúng tôi làm quen rất nhanh bởi vì khi ở Việt Nam chúng tôi đã làm việc remote( làm việc từ xa) với nhau rồi nên không có gì bất ngờ. Công việc nhanh chóng vào guồng và gần như không gặp khó khăn gì về mặt kỹ thuật, trao đổi thì tôi nói được một chút tiếng Nhật và nếu không hiểu thì lại nói tiếng Anh hoặc nhờ bạn người Việt biết tiếng Nhật trong công ty. 

Tuy nhiên, điều ngạc nhiên là khi chúng tôi tham gia vào cuộc họp với khách hàng thì mới biết rằng hóa ra các bạn kỹ sư người Nhật rất thân thiện khi nói chậm rãi với tôi còn khi anh ấy nói chuyện với khách hàng thì tôi thực sự không hiểu cái gì luôn. Đoạn này tôi thấy hơi thất vọng về bản thân mình.


Nguồn: Tham khảo.

4. Về kỹ năng lập trình

Nhóm chúng tôi ở Việt Nam sang Nhật Bản có 6 người, một nửa đã có kỹ năng lập trình khá tốt khi còn làm ở Việt Nam rồi. Thông thường cùng một function (chức năng) có độ khó tương đương thì chúng tôi thường làm xong trước các bạn người Nhật. Nhiều lúc tôi tự hỏi không hiểu vì sao các bạn Nhật chậm rãi và từ tốn thế, chẳng giống như tốc độ đi bộ nhanh ngoài đường hay là các thao tác nhanh thoăn thoắt của người bán hàng trong siêu thị - combini (cửa hàng tiện lợi bên nhật) gì cả. 

Nghiên cứu một thời gian thì tôi hiểu ra, yếu tố chính của họ là chất lượng rất tốt, các bạn ấy code ít bug hơn hẳn và đặc biệt là không cần tester (QA) giống như chúng tôi. Nó đã làm thay đổi suy nghĩ của tôi rất nhiều và sau này khi tôi lập doanh nghiệp IT - tên là Beetech ở Việt Nam, tôi luôn nhắc và kể lại điều đó đối với các bạn kỹ sư của Beetech như vậy. Sẽ chả có gì tự hào khi mình làm ra một sản phẩm với tốc độ nhanh nhưng lại không hoạt động ổn định và chất lượng cũng như khả năng ngăn ngừa security (bảo mật) thấp cả. Tôi cho rằng đó là tiêu chí nhất định phải làm được nếu muốn làm việc với công ty IT Nhật trong tương lai.


Nguồn: Tham khảo.

Ở một đất nước khi ngành phần mềm nói riêng hay IT nói chung còn non trẻ như ở Việt Nam thì việc hợp tác với các nước phát triển như: Mỹ, Nhật Bản, Úc hay Châu Âu là một cách khả quan nhất để học hỏi, cải tiến level (cấp bậc) và phát triển nhanh chóng. Tuy đã từng làm dự án với công ty Mỹ, Châu Âu nhưng đúng là khi làm việc với công ty IT Nhật chúng tôi nhận thấy dễ làm việc hơn. Cũng đã có nhiều ý kiến về điều này nhưng cho đến tận giờ tôi vẫn nghĩ rằng do việc gần gũi về văn hóa giữa người Việt Nam và Nhật Bản là yếu tố then chốt. Khi làm việc với công ty IT Nhật, tôi thấy có nhiều cơ hội để làm lại khi gặp sai sót và được học hỏi nhiều để tiến bộ hơn cho dù xuất phát điểm có thấp, điều đó lí giải vì sao phim Nhật Bản lại chú ý miêu tả nhiều nhân vật và nội tâm của họ thay vì các chủ đề siêu anh hùng ở Phương Tây. 

Sau này, khi có một thời gian làm việc với các bạn kỹ sư Nhật thì tôi mới nghiệm ra rằng, nguyên nhân chính để có thể nâng cao được chất lượng output (đầu ra) của các kỹ sư Việt Nam chính là học hỏi được từ bác bạn kỹ sư Nhật Bản ở việc có suy nghĩ "product-mindset" tạm giải thích là: học suy nghĩ chế tạo sản phẩm. 

Chúng tôi bị quen với việc nhận yêu cầu từ cấp trên hay khách hàng và làm theo nó chứ không nghĩ đến việc người dùng có dễ sử dụng nó không đó là lối suy nghĩ "outsourcing", khi gặp lỗi thì tâm trạng của họ sẽ thế nào hay lớn hơn là việc bị mất tiền, thiệt hại tài sản khi sử dụng hệ thống của chúng tôi làm ra. Việc này tôi sẽ nói kĩ hơn ở bài 2: Cách thức quản lý nhân sự và quy trình phát triển sản phẩm trong công ty IT của Nhật Bản.

Tuy nhiên có một điểm mà tôi nhận ra là các bạn kỹ sư IT người Nhật họ khô khan quá. Việc chia sẻ đến suy nghĩ hay cuộc sống cá nhân gần như không nhiều người làm và rất khó để kết thân với những người mới. Điều này làm hạn chế khá nhiều đến sự hiệu quả của trao đổi teamwork trong công việc. Bởi người Việt chúng tôi thì nếu chia sẻ những vấn đề trong cuộc sống cá nhân sẽ làm tăng thiện cảm với đối phương từ đó giúp ích rất nhiều khi trao đổi trong công việc.

Nguồn: Vương Khánh Bằng - CEO Beetechsoft